Omega 369 là gì? Công dụng, liều dùng và các tác dụng phụ

Hiểu rõ về omega 369 là điều vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, từ trước đến nay, omega 369 vẫn luôn được biết đến với các tác động tích cực đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tác dụng phụ không mong muốn khi bổ sung dư thừa dưỡng chất này. Vậy, omega 369 là gì? Công dụng của omega 369 đối với sức khỏe ra sao? Làm thế nào để hấp thụ các dưỡng chất này một cách hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi khám phá ngay trong bài viết sau.

Omega 369 là gì?

Omega 369 là tên gọi chung dùng để chỉ 3 loại axit béo omega 3omega 6 và omega 9. Đây đều là các loại axit béo không no (không bão hoà), chứa ít nhất một liên kết đôi trong công thức phân tử và có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe.

Sở dĩ, các loại axit béo kể trên được đặt tên là omega 3, omega 6 và omega 9 là vì chúng lần lượt sở hữu vị trí liên kết đôi đầu tiên nằm ở nguyên tử carbon thứ 3, thứ 6 và thứ 9 tính từ đầu omega (hay còn gọi là đầu metyl -CH3) của chuỗi hydrocarbon.

Cơ thể con người thường không có khả năng tự tổng hợp đầy đủ các axit béo kể trên. Vì vậy, bạn cần được hấp thụ chúng từ chế độ dinh dưỡng và các nguồn bổ sung từ bên ngoài.

Omega 369 gồm những loại nào?

Một số loại omega 3 phổ biến bao gồm DHA, EPA, ALA. Trong khi đó, các loại omega 6 phổ biến bao gồm LA, AA, GLA; còn loại axit béo omega 9 phổ biến là axit oleic. Cụ thể:

1. Omega 3

Nhóm axit béo omega 3 bao gồm 11 loại axit béo khác nhau. Trong đó, 3 loại axit béo omega 3 phổ biến và có nhiều lợi ích sức khỏe nhất đối với con người chính là:

  • Axit eicosapentaenoic (EPA): Có công thức phân tử là C19H29COOH. Axit béo này giúp kích thích sản sinh các eicosanoids, có khả năng hỗ trợ kháng viêm trong cơ thể. Theo nghiên cứu, dưỡng chất này cũng có tác dụng trong việc làm giảm các triệu chứng trầm cảm;
  • Axit docosahexaenoic (DHA): Có công thức phân tử là C21H31COOH. DHA chiếm khoảng 8% trọng lượng não và có vai trò quan trọng trong việc phát triển chức năng hệ thần kinh;
  • Axit alpha-linolenic (ALA): Có công thức phân tử là C17H29COOH. ALA có lợi cho tim mạch, hệ miễn dịch và đặc biệt là cân nặng của thai nhi sau sinh. Dưỡng chất cũng có khả năng chuyển hóa một phần thành EPA và DHA trong cơ thể.

2. Omega 6

  • Axit arachidonic (ARA): Có công thức phân tử là C19H31COOH. Giống EPA, AA cũng có khả năng sản xuất eicosanoids, giúp kháng viêm và tăng cường hệ miễn dịch;
  • Axit linoleic acid (LA): Có công thức phân tử là C17H31COOH. Dưỡng chất có tác dụng hỗ trợ làm giảm nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể, đồng thời cải thiện huyết áp và tình trạng kháng insulin;
  • Axit gamma linolenic acid (GLA): Có công thức phân tử là C17H29 GLA có khả năng giúp cách thích phát triển da và tóc, duy trì sức khỏe xương khớp, hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

3. Omega 9

Khác với omega 3 và omega 6, hầu hết các axit béo omega 9 (trừ axit mead) chỉ chứa MỘT liên kết đôi trong công thức phân tử, trong đó bao gồm Axit oleic, Axit mead, Axit erucic và Axit nervonic. Cụ thể như sau:

  • Axit oleic (OA): Có công thức phân tử là C17H33COOH. OA có tác dụng hỗ trợ chống lại gốc tự do, kháng viêm và tăng cường hệ miễn dịch;
  • Axit erucic (EA): Có công thức phân tử là C21H41COOH. Dưỡng chất có khả năng hỗ trợ giảm viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch và đẩy lùi một số bệnh lý ung thư;
  • Axit mead (MA): Có công thức phân tử là C19H33COOH. MA có đặc tính kháng viêm và đặc biệt là khả năng làm giảm hoạt động của nguyên bào xương. Điều này có thể quan trọng trong việc điều trị các tình trạng cần ức chế sự hình thành xương.
  • Axit nervonic (NA): Có công thức phân tử là C23H45COOH. NA giúp hỗ trợ chức năng hệ thần kinh và tăng cường năng lực trí não.

Sự khác nhau giữa omega 3, omega 6 và omega 9

Sự khác biệt chính giữa 3 loại omega 3, omega 6 và omega 9 nằm ở vị trí của liên kết đôi đầu tiên trong chuỗi hydrocarbon của mỗi axit béo. Nếu omega 3 có vị trí liên kết đôi đầu tiên xuất hiện tại nguyên tử carbon thứ 3 (tính từ đầu metyl -CH3) thì omega 6 và omega 9 lần lượt có liên kết đôi đầu tiên xuất hiện tại nguyên tử carbon thứ 6 và thứ 9.

Sự khác biệt lớn nhất giữa 3 loại axit béo omega 369 đến từ vị trí của liên kết đôi đầu tiên trên chuỗi hydrocarbon

Omega 369 có tác dụng gì?

Một số tác dụng của omega 369 có thể kể đến hỗ trợ bảo vệ tim mạch, tăng cường sức khỏe thần kinh, kháng viêm, nuôi dưỡng hệ thống cơ xương, da và tóc. Cụ thể:

  • Bảo vệ tim mạch: Theo nghiên cứu, hấp thụ khoảng 2 – 4g omega 3 mỗi ngày có thể giúp làm giảm nồng độ triglyceride, ổn định huyết áp, hỗ trợ hoạt động của hệ tim mạch. Bên cạnh đó, omega 6 và 9 cũng được có khả năng đẩy lùi các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp,… bằng cách giảm nồng độ cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong cơ thể;
  • Điều hoà cơ chế máu đông: Trong khi omega 3 có tác dụng làm tan các cục máu đông, đẩy lùi hiện tượng tắc nghẽn mạch máu, thì omega 6 lại có khả năng kích thích làm đông và hỗ trợ cầm máu vết thương một cách hiệu quả. Hấp thụ omega 3 và 6 với tỷ lệ phù hợp có thể giúp bạn hưởng lợi từ cả hai tác dụng kể trên;
  • Tăng cường sức khỏe thần kinh: Bộ đôi DHA và EPA đã được chứng minh là có lợi cho các tình trạng rối loạn tâm thần và thoái hóa thần kinh. Ngoài ra, một nghiên cứu cũng chỉ rõ tăng cường axit oleic có thể hỗ trợ chức năng nhận thức và trí nhớ. Vì vậy, bổ sung các loại omega 3, 6 sẽ góp phần cải thiện và duy trì sức khỏe hệ thần kinh;
  • Giúp cơ thể kháng viêm: Omega 3 còn được biết đến là một chất kháng viêm tự nhiên, có thể hỗ trợ quá trình giảm viêm trong cơ thể và giúp đẩy lùi các bệnh lý viêm tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh vẩy nến, lupus ban đỏ, bệnh đa xơ cứng,…;
  • Củng cố hệ xương khớp: Theo nghiên cứu, omega 3 có thể giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, đồng thời hạn chế đào thải khoáng chất này ra bên ngoài. Do đó, bổ sung omega 3 sẽ góp phần cải thiện mật độ xương, giúp xương chắc khỏe, dẻo dai và đẩy lùi tình trạng loãng xương;
  • Giúp nuôi dưỡng da từ bên trong: Cả omega 3 và omega 6 đều có khả năng giúp kích thích sự phát triển của da, giảm nếp nhăn, chống lão hóa và chống khô da. Đặc biệt, các loại axit béo omega 6 còn được chứng minh là có thể bảo vệ da khỏi các bệnh lý viêm như viêm da dị ứng, vảy nến, mụn trứng cá,….

Omega 369 đến từ các viên uống bổ sung dầu cá tốt cho sức khỏe não bộ

1 ngày cần bao nhiêu omega 369?

Một người trưởng thành nên hấp thụ khoảng 1.1 – 1.6g omega 3, 12 – 17g omega 6 và 20 – 30g omega 9 mỗi ngày. Tuy nhiên, hàm lượng khuyến cáo omega 369 trong một ngày có thể khác nhau với từng đối tượng, cụ thể:

1. Omega 3

Đối với người trưởng thành, tổng hàm lượng omega 3 khuyến nghị là 1.1 g/ ngày cho nữ và 1.6 g/ngày cho nam. Trong đó, bạn cần đảm bảo hấp thụ đủ ít nhất 250mg EPA và DHA mỗi ngày, bởi đây là 2 loại omega 3 quan trọng, có lợi trực tiếp cho cơ thể.

Phụ nữ có thai và cho con bú nên hấp thụ khoảng 1.3 – 1.4g omega 3 mỗi ngày, trong đó cần đảm bảo 300mg DHA để duy trì sức khỏe thai kỳ và kích thích phát triển não bộ, thị giác ở trẻ nhỏ.

Đối với trẻ dưới 1 tuổi, hàm lượng omega 3 phù hợp là 500 mg và sẽ tăng dần đến mức của người trưởng thành khi trẻ đủ 14 tuổi. Tương tự, hàm lượng EPA và DHA cũng phụ thuộc vào độ tuổi và cân nặng của mỗi trẻ.

2. Omega 6

Một người trưởng thành từ 19 tuổi được khuyến nghị hấp thụ khoảng 11g – 17g omega 6 mỗi ngày, cụ thể:

Độ tuổi Nam Nữ
19 – 50 tuổi 17 g/ngày 14 g/ngày
Trên 50 tuổi 12 g/ngày 11 g/ngày

Ngoài ra, đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 1 – 3 tuổi, hàm omega 6 phù hợp là 3g / ngày để giúp các bé phát triển cả về sức khỏe thể chất và tinh thần.

3. Omega 9

Hiện nay, chưa có hàm lượng khuyến nghị cụ thể cho omega 9 bởi đây không phải là một dưỡng chất thiết yếu và có thể được tổng hợp nội sinh trong cơ thể. Tuy nhiên, duy trì bổ sung 20 – 30g omega 9 thông qua 2 – 3 muỗng canh dầu ô liu / ngày có thể mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch và sức khỏe tổng thể.

Bổ sung 2 – 3 muỗng dầu ô-liu mỗi ngày giúp tăng cường hàm lượng omega 369 trong khẩu phần ăn

Thiếu omega 369 và những ảnh hưởng tới sức khỏe

Thiếu hụt omega 3 và 6 là hiện tượng tương đối phổ biến, do cơ thể không có khả năng tổng hợp đầy đủ hai loại axit béo này. Khi thiếu hụt omega 3, 6 hay thậm chí là omega 9, người bệnh có thể đối mặt với những vấn đề như suy giảm hệ thần kinh, thị lực yếu,… Cụ thể:

1. Thiếu omega 3

Thiếu hụt omega 3 có thể dẫn đến một số ảnh hưởng tiêu cực như suy giảm chức năng hệ thần kinh và tim mạch, da khô yếu, suy giảm thị lực,… Trong đó:

  • Suy giảm chức năng thần kinh: Omega 3 có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hoạt động của hệ thần kinh. Việc thiếu hụt dưỡng chất này có thể khiến chức năng thần kinh suy yếu, dẫn đến mất khả năng tập trung, trí nhớ ngắn hạn,…;
  • Căng thẳng tinh thần: Sự suy giảm chức năng thần kinh do thiếu hụt omega 3 cũng tạo điều kiện cho tình trạng căng thẳng và tâm lý chán chường diễn ra thường xuyên, thậm chí có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm;
  • Các vấn đề tim mạch: Thiếu omega 3 có thể khiến chỉ số mỡ máu, đường huyết và huyết áp không được kiểm soát. Về lâu dài, tình trạng này sẽ góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhịp tim,…;
  • Viêm đau xương khớp: Omega 3 có tác dụng kháng viêm và giúp củng cố mật độ xương. Khi thiếu hụt dưỡng chất này, hệ xương khớp có xu hướng yếu đi và thường xuyên rơi vào tình trạng loãng xương, viêm đau các khớp,…;
  • Thị lực suy yếu: Omega 3, đặc biệt DHA, rất cần thiết cho hoạt động của mắt. Việc thiếu hụt đi loại axit béo này có thể dẫn đến một số triệu chứng khô mắt, giảm tầm nhìn,…;
  • Da và tóc khô yếu: Một trong những công dụng của omega 3 là hỗ trợ nuôi dưỡng da và tóc từ bên trong. Vì vậy, thiếu hụt dưỡng chất này có thể khiến da khô, nứt nẻ và tóc xơ yếu, dễ gãy rụng;

2. Thiếu omega 6

Tương tự omega 3, sự thiếu hụt omega 6 cũng có những ảnh hưởng tương tự đối với sức khỏe, bao gồm suy giảm chức năng thần kinh và thị lực, vấn đề tim mạch, tóc và da khô yếu, căng thẳng tinh thần thường xuyên và suy giảm trí nhớ,…

3. Thiếu omega 9

Tình trạng thiếu hụt omega 9 trong cơ thể cũng đem lại những tác động tương tự omega 3 và omega 6. Trong đó, một số triệu chứng thiếu omega 9 rõ rệt có thể kể đến da khô, kích ứng, suy giảm khả năng miễn dịch và các vấn đề về sức khỏe tim mạch như xơ vữa động mạch, suy tim, tai biến mạch máu não,…

Da khô và bong tróc có thể là dấu hiệu cảnh báo thiếu hụt omega 369

Thừa omega 369 có sao không?

Lạm dụng omega 369 cũng có thể mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho cơ thể, bao gồm tình trạng máu khó đông, ngộ độc vitamin A,… Dưới đây là một số tác dụng phụ của omega 3-6-9 mà bạn cần biết:

1. Thừa omega 3

  • Máu khó đông: Một trong các tác dụng của omega 3 là làm tan các cục máu đông, đảm bảo lưu thông khí huyết. Tuy nhiên, khi hấp thụ quá mức, dưỡng chất này có thể gây ra hiện tượng máu khó đông, dẫn đến chảy máu cam, chảy máu chân răng,…;
  • Ngộ độc vitamin A: Một số thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, cá mòi, cá trích, dầu cá, trứng,… cũng sở hữu hàm lượng cao vitamin A. Nếu tiêu thụ quá mức, chúng sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc vitamin A, dẫn đến tình trạng chóng mặt, buồn nôn, đau khớp, kích ứng da và có thể gây tổn thương gan, suy gan về lâu dài;
  • Hạ huyết áp: Omega 3 có tác dụng giúp kiểm soát và duy trì huyết áp ở mức an toàn. Song, hấp thụ quá nhiều dưỡng chất này có thể gây hạ huyết áp, khiến người bệnh;
  • Gây mất ngủ ở người bệnh trầm cảm: Omega 3, nếu tiêu thụ điều độ, có thể tăng cường chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, đối với trường hợp hấp thụ quá liều, dưỡng chất này có thể gây mất ngủ và tăng cảm giác lo lắng ở người có tiền sử trầm cảm.

2. Thừa omega 6

  • Gây viêm: Chế độ ăn quá nhiều omega 6 đã được chứng minh là có thể ức chế tác dụng kháng viêm của omega 3, khiến tình trạng viêm trong cơ thể trở nên trầm trọng;
  • Tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Omega 6 có tác dụng làm đông máu, giúp cầm máu vết thương. Do đó, hấp thụ quá nhiều omega 6 có thể làm máu đông quá mức, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ;
  • Suy giảm chức năng thần kinh: Linoleic acid – một axit béo omega 6 đã được chỉ rõ là có thể gây viêm não và thoái hóa hệ thần kinh nếu tiêu thụ quá mức cho phép;

Do sở hữu một số tác động trái ngược, omega 3 và omega 6 thường có khả năng tương hỗ cho nhau trong cơ thể, giúp cải thiện và duy trì hoạt động của các cơ quan.

Tuy nhiên, việc hấp thụ thừa omega 6 hoặc omega 3 có thể gây mất cân bằng giữa hai loại axit béo, dẫn đến những tác dụng tiêu cực kể trên. Do đó, bạn nên chú ý giữ đúng tỉ lệ omega 3 và omega 6 này sẽ góp phần ổn định và cải thiện trạng thái sức khỏe.

Thừa omega 6 làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn động mạch và có thể dẫn đến đột quỵ

3. Thừa omega 9

Tương tự omega 3 và omega 6, việc lạm dụng omega 9 cũng có thể dẫn đến những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe như bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… Ngoài ra, tình trạng này còn có khả năng làm tăng nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ.

Omega 369 có trong thực phẩm nào?

Một số thực phẩm giàu omega 369 bao gồm cá thu, cá trích, cá mòi, quả bơ, hạnh nhân,… Cụ thể:

1. Nguồn thực phẩm chứa nhiều omega 3

  • Các loại cá béo: Cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi là nguồn cung cấp dồi dào omega 3 với hàm lượng trung bình khoảng 0.6g – 2.8g trong 100g thịt cá. Do đó, bổ sung các loại cá này vào thực đơn sẽ giúp bạn tăng cường hàm lượng omega 3 trong cơ thể;
  • Quả bơ: Trung bình một quả bơ 200g có thể cung cấp khoảng 0.22g omega 3. Bên cạnh đó, loại quả này cũng chứa nhiều dưỡng chất có lợi như vitamin E, C và nhóm B, giúp giảm viêm và hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh;

2. Nguồn thực phẩm chứa nhiều omega 6

  • Thực phẩm giàu omega 3: Nhiều loại thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, cá trích, bơ cũng chứa omega 6 với tỉ lệ tương đối hợp lý. Bạn có thể tiêu các loại thực phẩm kể trên để cùng lúc đáp ứng nhu cầu của cả hai loại axit béo;
  • Trứng: Trung bình một quả trứng có thể cung cấp khoảng 0.7g omega 6. Ngoài ra, thực phẩm này còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi như vitamin D, selen và cholin;
  • Hạnh nhân: Hạnh nhân là nguồn cung cấp dồi dào omega 6 với hàm lượng khoảng 12.32g trong 100g hạt. Vì vậy, bổ sung thực phẩm này một cách điều độ sẽ giúp bạn đáp ứng đủ nhu cầu omega 6 của cơ thể;
  • Hạt gai dầu: Tương tự hạnh nhân, hạt gai dầu cũng chứa hàm lượng omega 6 đáng kinh ngạc. Cụ thể, trung bình 100g hạt này thường cung cấp khoảng 28.7g omega 6. Ngoài ra, đây cũng là một loại thực phẩm giàu omega 3; do đó nếu được tiêu thụ điều độ, hạt gai dầu sẽ tạo điều kiện để bạn hưởng lợi từ cả hai loại axit béo.

3. Nguồn thực phẩm chứa nhiều omega 9

  • Dầu thực vật: Một số loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu điều, dầu hạnh nhân,… thường sở hữu hàm lượng omega 9 tương đối cao, khoảng 60g – 80g omega 9 trên 100g dầu. Vì vậy, bạn có thể sử dụng các loại dầu kể trên trong chế biến hoặc ăn cùng salad, các loại rau;
  • Các loại hạt: Bên cạnh dầu thực vật, các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều,… cũng rất giàu omega 9 và là lựa chọn đáng cân nhắc cho thực đơn hàng ngày của bạn.

Các loại hạt, cá hồi, quả bơ chín và dầu ô-liu là những thực phẩm giàu omega 369 điển hình

Tác dụng phụ của omega 3-6-9?

1. Tác dụng phụ thường gặp

Dưới đây là các tác dụng phụ thường gặp khi bổ sung omega 369. Tuy nhiên, không phải ai khi bổ sung omega 369 cũng luôn gặp phải các triệu chứng này, và nếu có thì chúng cũng thường xảy ra ở mức độ nhẹ, trong đó bao gồm:

  • Cảm giác đầy hơi;
  • Khẩu vị thay đổi;
  • Cảm giác không thoải mái ở bụng;
  • Đau bụng hoặc đi ngoài.

2. Tác dụng phụ nghiêm trọng

Có thể bao gồm:

  • Các phản ứng dị ứng như da nổi mẩn, ngứa, đỏ, sưng lên, hoặc bong tróc, đôi khi kèm theo sốt; khó thở, cảm giác nghẹt thở ở ngực hoặc họng; khó nói hoặc nuốt; giọng nói khàn khác thường hoặc sưng ở miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc họng;
  • Tim đập nhanh hoặc không đều;
  • Cảm thấy chóng mặt đến mức có thể ngất xỉu;
  • Thở gấp hoặc khó khăn;
  • Cảm giác đau ở ngực;
  • Xuất hiện vết bầm hoặc chảy máu mà không rõ lý do.

Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào như trên, hãy ngưng sử dụng và tìm kiếm sự tư vấn y tế ngay lập tức.

Những điều cần biết trước khi bổ sung omega 369

Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý đảm bảo an toàn và tối ưu công dụng của omega 369 trong cơ thể:

1. Tính an toàn đối với phụ nữ mang thai, trẻ em

Một số thực phẩm giàu omega 369 thường chứa hàm lượng cao thuỷ ngân, vitamin A,… Nếu hấp thụ quá nhiều, những hợp chất này có thể gây ngộ độc, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ em.

Vì vậy, khi lựa chọn nguồn bổ sung omega 369, bạn cần tìm hiểu và trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng để nhận diện các loại thực phẩm có nguy cơ cao.

Phụ nữ mang thai cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung omega 369

2. Tương tác với thuốc

Omega 369 có khả năng làm giảm tác dụng của một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, viên sắt,… Do đó, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc kể trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung omega 369;

3. Dị ứng và các tác dụng phụ tiềm ẩn khác

Trong một số trường hợp, omega 369 có thể gây dị ứng, dẫn đến tình trạng phát ban, buồn nôn và, khó thở, đau đầu,… Do đó, nếu có tiền sử dị ứng với các thực phẩm giàu omega 369, bạn nên cân nhắc trước khi bổ sung các loại axit béo này.

Cách bổ sung omega 369 an toàn với sức khỏe

Sau đây là một số cách bổ sung omega 369 an toàn với sức khỏe mà bạn nên ghi nhớ:

  • Thay thế thực phẩm chế biến sẵn bằng thực phẩm nguyên chất: Hàm lượng omega 369 trong thực phẩm nguyên chất thường cao hơn thực phẩm chế biến sẵn. Không những vậy, các món ăn đóng hộp hay sấy khô có thể chứa các hợp chất không có lợi cho sức khỏe tổng thể;
  • Tăng cường thực phẩm giàu omega 3: Trong ba loại axit béo, omega 3 có vai trò quan trọng hơn cả đối với cơ thể. Do đó, nếu tình trạng sức khỏe không có yêu cầu đặc biệt, bạn nên tăng cường các thực phẩm giàu omega 3 trước tiên để duy trì thể trạng khỏe mạnh;
  • Tập thể dục thường xuyên: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày tập thể dục có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo, tăng hàm lượng chất béo tốt và đào thải mỡ thừa ra khỏi cơ thể, từ đó cải thiện sức khỏe toàn diện;
  • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày có thể hỗ trợ cân bằng nội tiết tố và cải thiện khả năng hấp thụ omega 3 của cơ thể;
  • Giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm: POD, EDC, PM2.5, Phthalates, BPA,… đều là các chất ô nhiễm có khả năng làm gián đoạn quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể. Do đó, bạn cần hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với chúng bằng cách đeo khẩu trang và che chắn mỗi khi ra đường, tránh tiếp xúc với các hóa chất có hại.

Trên đây là những thông tin cơ bản về omega 369, trả lời chi tiết các câu hỏi omega 369 là gìomega 369 có tác dụng gì và đâu là những tác dụng phụ của omega 369. Hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ kiến thức hữu ích, giúp bạn hiểu tường tận về các loại axit béo kể trên và cách bổ sung chúng an toàn, tối ưu nhất trong chế độ ăn hàng ngày.

Tóm lại, omega 369 đóng vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể và cũng rất dễ dàng bị thiếu hụt nếu không hấp thụ đủ từ chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn có thể bổ sung chúng một cách “vô tội vạ”.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tối ưu tác dụng của omega 369, hấp thụ vừa đủ theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ là giải pháp hiệu quả nhất. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!